Tin tức

Nhà ở xã hội lên tới gần 70 triệu đồng/m2, người mua than quá đắt

Ngày đăng: 04/04/2025

(Nhà Đất Chung Cư) – Nhiều căn nhà ở xã hội qua sử dụng đã tăng giá gấp nhiều lần so với thời điểm mở bán. Thậm chí, giá bán những căn nhà này đã ngang nhà ở thương mại.

Giá nhà ở xã hội cũ ngang ngửa nhà ở thương mại

Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở vừa túi tiền còn khan hiếm, giá nhà tại nhiều dự án nhà ở xã hội liên tục tăng mạnh.

Theo khảo sát của phóng viên báo Nhà Đất Chung Cư, tại dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (quận Hoàng Mai, Hà Nội) giá rao bán các căn hộ khoảng 56-60 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích 70m2 tại dự án này đang được rao bán với giá 4,25 tỷ đồng, tương đương gần 61 triệu đồng/m2.

Dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (Hoàng Mai, Hà Nội) được mở bán từ năm 2016 có giá hơn 14 triệu đồng/m2. Dự án được bàn giao từ cuối năm 2017 và đã đưa vào sử dụng được hơn 7 năm. Như vậy, đến nay giá căn hộ tại dự án này đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm mở bán.

Dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được mở bán từ 2019, giá bán từ chủ đầu tư khoảng 15,6-16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay nhiều căn nhà ở xã hội tại dự án này đang được rao bán lại với mức giá dao động từ 54-61 triệu đồng/m2, tăng gấp 3,4-3,7 lần so với lúc mở bán.

Một căn nhà tại tòa N04 có diện tích gần 64,6m2 được thiết kế 2 phòng ngủ đang được rao bán với mức giá 4 tỷ đồng, tương đương gần 62 triệu đồng/m2. 

Dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) được mở bán vào năm 2018 với mức giá 13 triệu đồng/m2, nhưng đến nay giá bán thứ cấp được đẩy lên 50-57 triệu đồng/m2. Hay dự án nhà ở xã hội tại Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) năm 2015 có giá bán hơn 15 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay giá rao bán căn hộ tại đây lên quanh mức 57-63 triệu đồng/m2.

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được mở bán vào giữa năm 2023 với mức giá 19,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay giá nhà tại dự án này đã được đẩy lên 63-68 triệu đồng/m2, gấp hơn 3 lần so với thời điểm mở bán.

Anh Đỗ Long (quê Nam Định) nói, gia đình anh đang tìm mua nhà tại Hà Nội. Ban đầu, anh hướng tới những căn nhà ở xã hội đã qua sử dụng vì nghĩ sẽ có mức giá mềm hơn. Nhưng sau 3 tháng đi khảo sát, anh nhận thấy giá nhà ở xã hội đã qua sử dụng hiện đã ngang với nhà ở thương mại, dao động ở mức 55-65 triệu đồng/m2.

“Mặc dù giá bán khá cao nhưng những căn nhà này đều đã xuống cấp, tôi thấy giá này quá đắt”, anh nói.

Nhà ở xã hội lên tới gần 70 triệu đồng/m2, người mua than quá đắt - 1

Một dự án nhà ở tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Theo anh Vũ Thanh Tùng – chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, hiện nay giá nhà ở Hà Nội đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Thời gian qua, giá cũng liên tục tăng giá theo thị trường chung. Thậm chí, nhiều dự án nhà ở xã hội đi vào sử dụng hơn chục năm đã xuống cấp nhưng vẫn được rao bán với mức giá tới 60 triệu đồng/m2.

“Giá nhà tại Hà Nội hiện không còn phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân, thanh khoản nhà ở thời gian qua cũng đã có hiện tượng chững lại”, anh nói.

Anh cũng cho rằng, mức giá nhà ở xã hội qua sử dụng đã ngang ngửa với nhà ở thương mại. Do đó, anh khuyên, nếu người dân đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội theo quy định có thể chờ nộp hồ sơ để bốc thăm mua.

Giá nhà ở xã hội sẽ giảm?

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) – cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc tăng giá nhà ở xã hội đã qua sử dụng là sự mất cân đối cung, cầu kéo dài. Nguồn cung nhà cao cấp dư thừa trong khi phân khúc bình dân lại quá ít. Thống kê cho thấy, 60% nguồn cung mới bán trong năm 2024 thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang. Trong khi đó, phân khúc bình dân chỉ chiếm 7%.

Mặt khác, giá chung cư cũng đã thiết lập mặt bằng mới, khi những dự án chào bán với giá dưới 50 triệu đồng/m2 đang dần khan hiếm. Nhiều dự án được mở bán vào nửa đầu năm nay có giá khoảng 60-80 triệu đồng/m2. Trước thực tế nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, ước tính đến năm nay Thủ đô cần 185.200 căn nhà, trong đó gần 90% là căn hộ chung cư. Như vậy, bình quân mỗi năm Hà Nội vẫn thiếu khoảng 50.000 căn để đáp ứng nhu cầu.

“Với thực tế giá nhà hiện nay, người lao động buộc phải tìm đến những dự án nhà ở xã hội cũ, nhà tái định cư, tập thể cũ hay nhà ở thương mại đã xuống cấp, chấp nhận hy sinh các tiện ích, chất lượng dịch vụ… để có nhà ở khu trung tâm, hoặc chọn phương án ra ngoại thành mua nhà”, ông Đính nói.

Ông Nguyễn Anh Quê – chuyên gia bất động sản – cho rằng, trong giai đoạn 2020-2024, nguồn cung chung cư hạn chế do thủ tục đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá tăng mạnh. Tuy nhiên, mọi thứ đều có chu kỳ và quy luật cung, cầu, nên khi giá tăng quá cao, thị trường sẽ điều chỉnh. 

Theo ông, từ cuối năm ngoái, thị trường đã có dấu hiệu đảo chiều. Giá bắt đầu giảm, lượng giao dịch giảm. Niềm tin về việc giá chung cư tiếp tục tăng gần như không còn.

Ông cho rằng, hiện các thủ tục đầu tư đã được cải thiện, nguồn cung chung cư tăng lên, bao gồm cả nhà ở xã hội. Với lượng cung mới khoảng hơn 10.000 căn tại các khu vực như các quận, huyện gồm Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Nam Từ Liêm và một số quận huyện khác, người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Việc nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên có thể tác động kéo giảm giá nhà.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến năm nay, thành phố sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, đồng thời tiếp tục khởi công 5 dự án với quy mô 10.220 căn hộ.

Trong giai đoạn 2026-2030, theo chỉ tiêu Chính phủ giao 37.500 căn, TP Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thêm 50 dự án nhà ở xã hội, với tổng quy mô khoảng 57.200 căn hộ, đáp ứng chỉ tiêu được giao.

Hà Nội đang tìm nhà đầu tư cho 2 khu nhà ở xã hội tập trung là Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2. Cả 2 dự án này đều nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, quy mô sử dụng đất là 84ha, dự kiến cung cấp khoảng 6.500 căn hộ nhà ở xã hội trong thời gian tới.

( Theo Dân Trí )